Chi phí trên mỗi lượt cài đặt (Cost per install - CPI) là chỉ số dùng để đo lường chi phí để thu hút một người dùng mới cho ứng dụng di động thông qua việc tải ứng dụng đó từ cửa hàng ứng dụng. CPI có thể được tính bằng cách chia tổng chi phí của một chiến dịch quảng cáo cho số lượng lượt cài đặt ứng dụng phát sinh từ chiến dịch đó.
CPI = Tổng chi phí của chiến dịch / Tổng số lượt cài đặt ứng dụng phát sinh từ chiến dịch
Ví dụ, nếu một chiến dịch có chi phí là $10,000 và tạo ra 5,000 lượt cài đặt ứng dụng, chỉ số CPI của nó sẽ là $10,000 / 5,000 = $2.
CPI thường được sử dụng bởi các nhà quảng cáo di động để đánh giá hiệu suất của chiến dịch quảng cáo của họ và so sánh hiệu suất giữa các kênh khác nhau.
CPI giúp các nhà quảng cáo đánh giá hiệu suất của chiến dịch thu hút người dùng. Bằng cách tính toán chi phí cần cho mỗi lượt cài đặt, marketer có thể xác định họ đang phải chi bao nhiêu trên mỗi người dùng mới có được. Điều này giúp họ so sánh hiệu suất giữa các kênh và chiến dịch quảng cáo khác nhau, từ đó xác định xem lựa chọn nào là hiệu quả nhất về mặt chi phí.
Bên cạnh đó, CPI còn đóng vai trò là một chỉ số giúp marketer tối ưu hóa ngân sách quảng cáo. Nắm được CPI cho các chiến dịch khác nhau giúp nhà quảng cáo phân bổ ngân sách một cách hiệu quả hơn. Bằng cách tập trung vào các kênh có CPI thấp hơn, họ có thể thu hút được nhiều người dùng hơn với cùng một ngân sách, từ đó tối đa hóa ROI.
Cuối cùng, CPI là một chỉ số phản ánh lợi nhuận lâu dài của ứng dụng. Chi phí để thu hút một người dùng mới phải thấp hơn doanh thu tạo ra qua thời gian hoặc là ứng dụng đang không sản sinh ra đủ lợi nhuận. Bằng cách sử dụng CPI, các nhà quảng cáo di động có thể đảm bảo rằng chi phí để thu hút người dùng mới nằm trong giới hạn chấp nhận được.
Để tối ưu hóa nỗ lực quảng cáo và đạt CPI thấp nhất có thể, nhà quảng cáo cần hiểu rõ các yếu tố tác động khác nhau và ảnh hưởng của chúng đến chỉ số này.
Địa điểm đóng một vai trò quan trọng trong quá trình xác định CPI của ứng dụng di động. Ở một số quốc gia, chi phí để thu hút người dùng mới có thể cao hơn so với các quốc gia khác do mức độ cạnh tranh, sức mua và giá quảng cáo địa phương. Ví dụ, CPI cho ứng dụng ở Hoa Kỳ có thể cao hơn so với các quốc gia đang phát triển do thị trường ứng dụng ở nước này lớn hơn và giá quảng cáo cũng cao hơn. Marketer có thể sử dụng thông tin này để điều chỉnh nhắm mục tiêu và phân bổ ngân sách để giảm thiểu tác động của địa điểm đến CPI của mình.
Hệ điều hành của thiết bị cũng có thể gây ảnh hưởng đến CPI. Nhìn chung, chi phí để thu hút người dùng mới trên iOS sẽ cao hơn so với trên Android, vì cửa hàng ứng dụng của iOS cạnh tranh hơn và người dùng thường có xu hướng có sức mua cao hơn. Điều này xảy ra do người dùng iOS có khả năng chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trong ứng dụng, đăng ký và nâng cấp. Do đó, nhà quảng cáo thường sẵn lòng trả nhiều hơn cho một người dùng iOS. Vì vậy, các marketer nhắm mục tiêu quảng cáo trên cả hai nền tảng nên xem xét những khác biệt này khi lên kế hoạch cho chiến dịch của họ.
Thể loại của ứng dụng cũng gây ảnh hưởng đến CPI. Ví dụ, một số thể loại ứng dụng như trò chơi và giải trí thường có CPI cao hơn so với các thể loại khác như ứng dụng tiện ích. Điều này là do người dùng có khả năng tải xuống và tương tác với các ứng dụng thuộc những thể loại trên hơn, tăng giá trị của chúng trong mắt các nhà quảng cáo. Vì vậy, marketer nên xem xét thể loại ứng dụng khi đặt mục tiêu cho CPI của mình.
Các kênh được sử dụng để quảng cáo ứng dụng cũng có thể ảnh hưởng đến CPI. Ví dụ, quảng cáo trên mạng xã hội thường có CPI thấp hơn so với quảng cáo trên truyền hình, vì quảng cáo trên mạng xã hội được tập trung hơn và có thể được gửi đến một đối tượng cụ thể. Ngược lại, quảng cáo truyền hình có độ phủ rộng hơn nhưng khả năng nhắm mục tiêu ít chính xác hơn, do đó chi phí để tiếp cận những người dùng trên kênh này sẽ cao hơn. Marketer cần xem xét điều này khi chọn kênh để quảng cáo cho ứng dụng.
Mạng quảng cáo cũng có thể ảnh hưởng đến CPI. Các mạng quảng cáo khác nhau có các mô hình và định dạng giá khác nhau; một số có thể hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy lượt cài đặt ứng dụng. Ví dụ, sử dụng quảng cáo trong ứng dụng có thể hiệu quả hơn so với quảng cáo trên web di động vì chúng có khả năng được nhìn thấy nhiều hơn bởi người dùng đang tích cực tương tác trong ứng dụng. Do đó, marketer nên so sánh hiệu suất của các mạng quảng cáo khác nhau và điều chỉnh chiến dịch của họ tương ứng.